Người Sắp Lâm Chung/Sắp Mất – Những Gì Bạn Có Thể Giúp Để Giai Đoạn Cận Tử Dễ Chịu Hơn
Giây phút cận tử là lúc khó khăn. Người sắp mất có thể đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi, lo lắng, nuối tiếc và cả đau đớn. Đây là lúc người ấy rất cần sự có mặt của bạn. Để an ủi, để giải bày, hay để biết có một người ở đó với mình.
1. Xuất hiện và lắng nghe sẽ giúp an ủi người sắp mất
Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm chỉ đơn giản là hãy ở bên cạnh họ. Hãy xuất hiện, ghé thăm, hoặc gọi điện. Một điều tuyệt vời khác ta cũng có thể làm dù họ có sắp chết hay không là thật lòng lắng nghe họ. Đặc biệt là lúc này đây, khi thời gian còn lại rất ngắn ngủi thì việc lắng nghe là rất quan trọng. Và lắng nghe một cách chủ động nhiệt tình chứ không phải chỉ ngồi đó ừ hử cho qua chuyện. Người sắp chết có thể sẽ muốn nói về những chuyện ngớ ngẩn. Hoặc có thể họ muốn chia sẻ về những khoảnh khắc đáng nhớ. Dù đó là những thay đổi về mặt tâm lý hay sinh lý, về nỗi đau hay nỗi sợ thì chúng ta cũng hãy chủ động, chú tâm lắng nghe.
Khắc ghi năm giai đoạn của cái chết cũng rất hữu ích: Chối bỏ, phẫn nộ, mặc cả, trầm cảm và tiếp nhận. Quan trọng hãy nhớ rằng, những giai đoạn ấy chỉ là quá trình chứ không phải là mục tiêu hay đích đến. Có thể bạn sẽ chứng kiến một người sắp chết trải qua những giai đoạn này mà chính bản thân họ cũng không hề nhận ra. Bạn có thể ở bên cạnh họ xuyên suốt toàn bộ các giai đoạn ấy. Thậm chí nếu họ có lặp lại một giai đoạn nào đó và tập trung vào những điều như” “Tại sao lại là tôi?”, “Không điều này không thể xảy đến với tôi được!” hay “Giá như…”
Mặt khác, hãy cân nhắc khi nào là thời điểm thích hợp để trò chuyện: buổi sáng hay buổi chiều, trước khi hay sau khi điều trị. Và nếu bạn không biết nên nói gì cho tốt thì dưới đây là một vài cách để bắt đầu câu chuyện:
- Miêu tả những gì bạn nhìn thấy. Ví dụ như: Trông bà có vẻ không được thoải mái. À hiểu rồi, trông cái gối phẳng chưa kìa, để tôi giúp bà chỉnh lại nó nhé? Tôi có thể giúp gì được bà không?
- Nhận thức được tình cảnh hiện tại như: Tệ thật, chắc là chiếc kim tiêm đó làm bạn thấy đau lắm!
- Nhắc cho họ nhớ bạn sẽ luôn bên họ như: Đây, tôi ở đây này. Tôi rất thương bạn. Tôi ở đây với bạn.
2. Trò chuyện với người sắp mất
Lắng nghe rất tuyệt vời. Và trò chuyện cũng giúp ích không kém. Giờ là lúc bạn có thể nhìn lại cuộc sống của chính mình và mối quan hệ của mình với người sắp ra đi trong suốt thời gian qua. Chia sẻ những kỷ niệm, chữa lành những mối quan hệ đã sứt met hoặc chấp nhận những mối quan hệ không cách gì chữa lành được nữa. Có những công việc mà người sắp ra đi chưa kịp thực hiện, những việc chưa kịp hoàn thành.
Trong tác phẩm Bốn Điều Quan Trọng Nhất, tác giả Ira Byock gợi ý rằng có bốn điều quan trọng mà chúng ta cần phải nói là: Xin hãy tha thứ cho tôi, Tôi tha thứ cho bạn, tôi yêu bạn và tạm biệt.
Đây là cách tuyệt vời để bắt đầu hay kết thúc câu chuyện. Nếu bạn không biết phải nói gì, cứ nói: “Tôi không biết phải nói gì” hoặc “Bạn cảm thấy sao rồi?. Có thể người bệnh muốn được trò chuyện hơn lắng nghe, hoặc muốn nghe nhiều hơn muốn nói.
Có thể họ không nghe được bạn nói gì nhưng họ vẫn có thể nhìn thấy gương mặt của bạn, cảm thấy ngữ điệu trong giọng nói của bạn. Cảm nhận được tình yêu và sự trân trọng của bạn, sự dịu dàng và quan tâm của bạn.
Có một sự thật về nỗi đau mà rất nhiều người đang phải chịu đựng (cả về thể xác, tinh thần và cảm xúc) chính là rất khó để thuật lại tường tận về nó. Nỗi đau rất vô thực. Bạn gần như không thể san sẻ được nỗi đau. Và không dễ dàng gì để thấu cảm nếu chúng ta không phải là người bị đâm/bỏng/ốm/sợ/nôn hay gì đó. Chúng ta chỉ có thể cố gắng để cảm thông và cố gắng hiểu.
Điều tốt nhất ta có thể làm cho một người đang đau đớn có lẽ là mang đến cho họ sự quan tâm và ủng hộ. Việc này có thể yêu cầu chúng ta tưởng tượng đôi chút. Hơn nữa, chúng ta phải gạt bỏ cái tôi của mình. Cho rằng bản thân hiểu rõ cảm xúc của một người thân thương chính là sai lầm lớn. Chúng ta phải cực kỳ nhạy cảm và khiêm nhường để hỏi han, lắng nghe, đồng cảm, để thực sự hiện diện bên cạnh người ấy.
Tôi nghĩ chúng ta không dễ dàng nhận ra sự mất mát khi một người ra đi lớn đến thế nào. Đặc biệt là trong xã hội hiện nay. Ai cũng sống một cuộc đời bận rộn với lịch trình dày đặc. Chúng ta không thể bỏ ngang trách nhiệm để chăm sóc người khác. Thế nhưng chúng ta đột nhiên phải nhớ lại những điều rất đỗi cơ bản, rằng chúng ta yêu đời, chúng ta yêu người đang chờ chết này. Rằng chúng ta không muốn nói lời từ biệt. Và rằng chúng ta không trường sinh bất tử. Thậm chí chúng ta còn không biết phải bắt đầu từ đâu để mà thấu hiểu tất cả những cảm xúc ấy nữa. Nhưng nếu bạn thực sự ở cạnh người sắp chết và cho phép toàn bộ những lo lắng đang hiện hữu thâm nhập vào cuộc sống của mình, bạn có thể giúp người thân ra đi thanh thản hơn. Đồng thời cũng giúp bản thân cảm nhận được nỗi đau từ sự mất mát ấy.
- Xung phong chăm sóc nếu có thể
- Hỗ trợ giúp người bệnh được an tâm – giảm bớt cơn đau về tinh thần và cảm xúc
Đau đớn không chỉ có một loại. Dù cơn đau về thể xác đã được khống chế thì những thương tổn về khía cạnh khác vẫn có thể khiến cho cuộc đời họ trở thành nỗi thống khổ. Dù trong trường hợp nào, hãy điềm tĩnh và ý thức được cảm xúc của chính bản thân mình. Và nếu muốn giúp người bệnh, hãy trở nên dễ chịu. Như vậy người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu hơn. Sự căng thẳng và sợ hãi của bạn có thể lây sang họ.
Nếu được, hãy giúp người sắp mất cảm thấy yên tâm về mặt cảm xúc. Người bệnh muốn tiếp xúc với phương thức điều trị nào? Họ muốn tổ chức tang lễ ra sao? Bạn có thể đem thú cưng của họ vào thăm họ không? Làm sao để họ cảm thấy vui hơn? Có loại hoa nào, mùi hương nào, loại âm nhạc hay bất cứ thứ gì mà bạn có thể mang đến cho họ không? Liệu bạn có thể xoa bàn chân cho họ không? Dù bạn ở nhà hay bệnh viện, bạn vẫn có thể bày ra những kỷ vật yêu thích để mang lại cảm giác dễ chịu cho họ. Chỉ cho họ biết nên liên lạc với ai và theo trình tự như thế nào. Giúp họ buông bỏ. Tuy bạn và người sắp chết sẽ tiếp nhận sự thật ở một mức độ rất khác nhau nhưng hãy cố gắng dẫn dắt họ. VÀ hãy nhớ, chấp nhận để một người ra đi không phải là dấu hiệu của một tình yêu không đủ đầy, đó là một tình yêu chín chắn.
Photo by Mike Labrum on Unsplash
3. Xét lại nỗi sợ của mình trước khi bước vào cửa (kỹ lưỡng nhất có thể)
Đúng, trong cuộc sống sẽ có những lúc cảm xúc cá nhân của chúng ta không còn quan trọng nữa. Một tình yêu đích thực và chín chắn chính là đặt nhu cầu người sắp chết lên trên nhu cầu của chính bạn.
Chúng ta sống trong một thế giới, nơi mà con người có thể nói dễ dàng về sự sống. Tập thể thao! Nước ép hoa quả! Thực phẩm chức năng! Con cái nhà cửa! Tiền bạc! Những chuyện đó rất đơn giản đối với chúng ta, bởi vì chủ đề chúng ta bàn luận là những việc sẽ xảy ra trong tương lai. Còn bây giờ, đột nhiên ta bị buộc phải nói về cái chết. Như vậy thật đáng sợ.
Nếu bạn trải qua một khoảng thời gian khó khăn, hãy tìm đến sự giúp đỡ. Đừng dồn nén nỗi đau và sự sợ hãi của bạn lên người sắp chết. Sẽ không công bằng nếu bắt họ làm người an ủi ngược lại cho bạn.
Trước khi vào phòng bệnh hãy trấn tĩnh lại, hãy mỉm cười, cố gắng toả ra một chút hơi ấm và tình yêu thương. Nếu có thể, hãy nhờ một người bạn khác hoặc người chăm sóc cho bệnh nhân miêu tả về tình trạng của họ trước khi bước vào cửa. Như vậy bạn sẽ không bị bất ngờ. Đôi lúc vẻ bề ngoài của người sắp chết sẽ vô cùng khác biệt. Nếu bạn khóc lóc thảm thiết hay căng thẳng cực độ thì hãy ở lại ngoài tiền sảnh hoặc ra khỏi bệnh viện để lấy lại bình tĩnh nhiều nhất có thể. Hãy ghi nhớ trong đầu bạn, trước khi bị bệnh họ là ai và họ có ý nghĩa gì đối với bạn. Hãy để cho họ nhìn thấy điều đó từ sâu trong đáy mắt và trái tim bạn.
4. Xét lại tôn giáo của mình trước khi bước vào cửa
Tôn trọng văn hoá và tôn giáo của người sắp mất là điều tối quan trọng. Giúp đỡ một người ra đi là thời điểm vô cùng không thích hợp để bàn đến niềm tin của bạn. Trừ khi hai người có cùng niềm tin và họ ủng hộ bạn nói đến việc đấy. Tôn giáo và niềm tin tâm linh của một người là một vấn đề rất riêng tư. Hãy dành cho người sắp ra đi món quà cuối cùng là tôn vinh niềm tin của họ.
Việc tôn trọng niềm tin của một người sắp chết là rất cần thiết. Nếu họ có thờ một biểu tượng hoặc sở hữu một bùa hộ mệnh nào đấy, một kỷ vật, hãy mang đến cho họ. Một chuỗi tràng hạt, một tấm bùa, một hòn đá hay một cuốn sách, một tấm ảnh… Nó sẽ mang lại sự thoải mái, bình an cho người bệnh.
5. Xoa bóp và tiếp xúc
Bạn không cần phải là một chuyên viên xoa bóp mới có thể mang đến tác dụng chữa lành cho người bệnh. Cảm giác được chạm vào nhau rất dễ chịu. Nhưng thường thì chúng ta cảm thấy mình không tài nào làm được điều ấy, Chúng ta sợ làm tổn thương cơ thể yếu ớt của người bệnh, cộng thêm nhiều loại ống khác nhau đang cắm trên người họ nữa. Thế nhưng một vài tiếp xúc da kề da sẽ giúp cho người sắp chết cảm thấy dễ chịu. Nó còn giúp họ cải thiện tuần hoàn máu và tránh lở loét do nằm lâu trên giường bệnh và còn giảm đau nữa. Sau đây là một vài gợi ý:
- Đừng cuống quýt là hết thứ này đến thứ kia. Hãy bình tĩnh và tập trung tư tưởng.
- Ngồi bên cạnh người bệnh, nắm khẽ tay họ.
- Nghĩ về những cảm xúc tốt đẹp của bạn dành cho họ và hít thở đều.
- Nhẹ nhàng đặt tay lên người họ. Tuỳ vào tình trạng của người bệnh, có thể da họ rất nhạy cảm. Nên hãy nhìn xem gương mặt họ có đang nhăn nhó vì khó chịu không rồi từ từ điều chỉnh sao cho phù hợp. Lý tưởng nhất là hãy vuốt ve nhẹ nhàng, đều đặn. Hãy tin tưởng vào đôi tay của bạn để tiếp xúc và cảm nhận người bệnh.
- Hãy hỏi họ cảm thấy như thế nào nếu họ có thể nói chuyện.
- Bạn có thể giúp bệnh nhân thư giãn nếu họ muốn. Hãy miêu tả bãi biển hoặc dòng sông, mô phỏng âm thanh của nước, giúp họ hình dung mỗi phần trên cơ thể đang được đắm chìm trong bầu không khí, bãi cát, dòng nước ấy.
- Khi đã thực hiện xong, hãy yên lặng và giữ tay của bạn trên cơ thể người bệnh một lúc để những cảm xúc tốt đẹp ấy thấm đẫm vào tâm hồn họ và để cho quá trình chuyển tiếp được diễn ra.
- Đắp chăn cho người bệnh, hỏi xem họ có cảm thấy thoải mái không.
Dù bạn có thể, hoặc không thể làm gì, thì một chút tình cảm chân thành đối với người sắp ra đi, một vài lời lẽ trấn an hay bày tỏ niềm trân trọng với người sắp ra đi, cũng sẽ mang lại sự an ủi cho những giây phút cuối cùng người ấy còn trên thế gian này.
Để chuẩn bị cho một tang lễ chu toàn, hãy tham khảo thêm những điều cần lưu ý khi tổ chức tang lễ tại nhà của Hiếu An nhé!
Chào mừng bạn đến với dịch vụ tang lễ chân thành và tận tâm tại Hiếu An - nơi chúng tôi tận hưởng niềm tự hào trong việc mang đến sự Kính Lễ, Tận Tâm, Tri n và Hiếu Nghĩa trong mỗi dịch vụ của mình. Với lòng trung thành và sự chuyên nghiệp, chúng tôi cam kết đồng hành cùng bạn và gia đình, tạo nên không gian lễ tang đẳng cấp và ý nghĩa nhất.
Gọi điện cho Hiếu An